Học tập trực tuyến, xu thế toàn cầu tất yếu

Theo GS-TS Phạm Tất Dong: Học tập trực tuyến là điều tất yếu khi chuyển đổi số hệ thống giáo dục – đào tạo. Xu thế học tập trực tuyến sớm có ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật, Ấn, Anh, Hàn Quốc… Giờ đây, chuyển các lớp học lên mạng là một công việc tạo nên một phương thức đào tạo ngày càng phổ biến, và phương thức ấy kéo theo việc hình thành một nét văn hóa học tập suốt đời trong xã hội học tập.

Vì hệ thống giáo dục đại học ở nhiều quốc gia đã chuyển mạnh học tập trực tuyến nên nhà nước của họ đã thúc đẩy việc xây dựng các kỹ năng số cho học sinh phổ thông để trước hết, tạo cho học sinh phổ thông thích ứng với môi trường giáo dục số ở từng cấp học phổ thông, và đồng thời, khi học xong hệ phổ thông, học sinh sẽ không xa lạ với học trực tuyến ở hệ đại học.

 

Tại Hoa Kỳ, 80% trường đại học dùng phương pháp trực tuyến để đào tạo. Vào những năm 2015 – 2016, nhiều lớp học trực tuyến đồng bộ trong trường đại học được tổ chức, tức là lớp học nhiều ngườihọc cùng một thời gian, cùng nghe giảng, cùng trao đổi thông tin, cùng nhau chia sẻ tri thức qua hội thảo. Từ năm 2017, việc học trực tuyến không đồng bộ (cá nhân theo học qua Internet, qua đĩa compact quang học “CD ROM” hoặc Email…) được tổ chức. Vì thế, đối với học sinh phổ thông, trước khi các em được công nhận tốt nghiệp buộc phải đăng ký học một số môn tại các lớp trực tuyến.

Ở Hàn Quốc, để chuẩn bị năm học mới ở trường phổ thông, việc đầu tiên là họ lập các tài khoản học trực tuyến và giúp học sinh làm quen với phương thức học này. Việc học trực tuyến đã giúp học sinh không phải chi phí nhiều như học trực tiếp kiểu truyền thống.

Tại quốc gia này, họ có một ứng dụng gọi là Seoul Learn – một nền tảng học tập trực tuyến có mục đích thu hẹp khoảng cách giáo dục cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Seoul Learn cũng cung cấp nhiều bài giảng trực tuyến miễn phí từ các trung tâm tư nhân dạy thêm. Rất nhiều người lớn cũng tiếp cận các bài giảng này khi họ xây dựng kế hoạch học tập thường xuyên theo phương thức tự học hoàn toàn độc lập.

Ở Nhật Bản, những trường đại học hàng đầu như Đại học Tokyo, Kyoto, Đại học công nghệ Tokyo, Đại học Osaka… đã mở rất nhiều khóa học trực tuyến OCW (Open Courseware). Những trường này có website riêng chuyên cung cấp các OCW. Ngoài ra, họ cũng có những website như Coursera hay Udacity (đại học trực tuyến giúp sinh viên muốn học những đại học hàng đầu thế giới mà không có điều kiện).

Tại bậc giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở, Nhật Bản sử dụng hình thức “lớp học kết hợp”, tức là sử dụng phương pháp học trực tuyến kết học với học trực tiếp, giáo viên vừa giảng bài vừa phát sóng trực tiếp cho học sinh tại lớp và từ xa.

Ở khu vực Đông Nam Á, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Philippines quyết định không cho học sinh học trực tiếp khi chưa tiêm vaccine. Học sinh học trực tuyến vì các trường học phải đóng cửa. Từ lớp mẫu giáo đến lớp 12, khung chương trình giảm xuống, đáp ứng việc học trực tuyến theo những kiến thức thiết yếu qua truyền hình, đài phát thanh hoặc kết hợp nhiều hình thức trực tuyến khác nhau.

Malaysia, Singapore, Brunnei cũng đang chú ý chuyển đổi hình thức học trực tiếp sang học trực tuyến hoặc kết hợp hai hình thức học tâp này. Họ sẽ định dạng bài học điện tử kết hợp với hình thức dạy học qua truyền hình và truyền thanh.

Mấy năm gần đây, nền kinh tế Internet ở Đông Nam Á đã phát triển với tốc độ lớn. Nó sẽ dẫn đến việc thúc đẩy nền giáo dục ở đây phải tiếp cận nhanh hơn nữa với việc sử dụng mạng Internet.

Trên thế giới, nhiều nước như Argentina, Croatia, Cyprus, Ai Cập, Pháp, Hy Lạp, Ý… đều sử dụng mạng Internet cung cấp các nền tảng học online. Phần mềm được sử dụng rộng rãi hiện là Zoom, Google Meet..

Ở Việt Nam, việc tổ chức học trực tuyến đang từng bước được thực hiện, những tiến độ chưa đủ nhanh theo yêu cầu chuyển đổi số ở một số trường.

Tham gia bình luận:

Lịch khai giảng Liên hệ Đăng ký học thử